287 Thích | 282 Share
Mùa xuân tươi tắn, rạng ngời không mong chờ sao lại thành dị ứng? Dị ứng ở đây là có thực bởi hàng loạt các tác nhân gây ra mà thời gian xuất hiện rơi đúng vào mùa xuân.
Ngày nay, dị ứng được coi là bệnh của cuộc sống hiện đại. Sự biến đổi của khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, mật độ dân cư ngày càng đông đúc… làm các tác nhân gây dị ứng càng gia tăng. Dựa vào thời gian xuất hiện trong năm, mùa xuân thường gây ra bởi hàng loạt các dị ứng. Vì vậy, làm gì để mùa xuân không mắc dị ứng là điều vô cùng cần thiết.
Nguy cơ dị ứng do làm đẹp
Da cũng như cơ thể sẽ bị lão hóa theo thời gian, vì vậy phái đẹp có nhu cầu chăm sóc và làm đẹp, nhất là những ngày lễ trọng đại. Tuy nhiên, bằng các loại kem dưỡng da, đắp mặt nạ, dùng mỹ phẩm tự chế… chỉ là phương pháp tác động từ bên ngoài, thậm chí có thể gây dị ứng, viêm do chăm sóc da không đúng cách.
Dị ứng mỹ phẩm biểu hiện ban đầu là nổi trứng cá do các loại hóa chất làm bít lỗ chân lông, gây ứ đọng bã nhờn. Nặng hơn có thể là các dấu hiệu của viêm da dị ứng, như: mảng hồng ban ở vùng bôi mỹ phẩm kèm theo mụn nước và nổi mề đay. Ở một số bệnh nhân, tình trạng dị ứng nặng có thể gây lở loét, thậm chí lan ra cả vùng không bôi mỹ phẩm.
Điều đáng lưu ý mỹ phẩm đắt tiền không phải là an toàn, nó có thể tốt với người này nhưng chưa hẳn tốt với người khác. Trước khi dùng một loại mỹ phẩm nào đó, nhất là lần đầu tiên, nên thử phản ứng bằng cách bôi nó vào một vùngda nhạy cảm ở tay, đùi; nếu sau khoảng 24 giờ mà không thấy phản ứng gì thì sử dụng được.
Một số bệnh nhân bị dị ứng mỹ phẩm cũng nghĩ đến các thành phần từ thiên nhiên “không gây kích ứng” hoặc “thích hợp cho mọi loại da”. Tuy nhiên, điều này hết sức sai lầm vì trong mỹ phẩm có 2 nhóm thành phần cơ bản là chất tạo mùi và chất bảo quản nên bất cứ mỹ phẩm nào cũng có nguy cơ gây dị ứng. Một số bệnh nhân cũng bị dị ứng với thuốc nhuộm tóc nhập viện trong tình trạng da dưới chân tóc mẩn đỏ, sưng nề, rỉ cả nước vàng.
Nỗi khổ vì hoa
Phấn hoa thường là nguyên nhân chính gây ra các chứng dị ứng theo mùa. Khi phấn hoa được phát tán trong không khí, nó dễ dàng bay vào mắt, mũi, phổi và bám vào da gây ra dị ứng. Các dấu hiệu của bệnh dị ứng dễ nhận thấy như: sổ mũi, sung huyết mũi, hắt hơi, ngứa rát họng, chảy nước mắt và mắt sưng đỏ. Nhất là vào dịp lễ tết, ngày cắm hoa để trang trí đón chào xuân sang cũng là lúc những người mắc cơ địa dị ứng lại lo chảy mũi, nghẹt mũi và chảy nước mắt.
Ở Việt Nam, các tỉnh phía Bắc vào mùa đông xuân nhiều loại hoa nở rộ cũng là mùa gây khó chịu cho người bị hen suyễn, bệnh hô hấp mạn tính. Ngoài việc phải giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh, người bệnh được bác sĩ khuyến cáo phải cẩn trọng với các loại phấn hoa trong không khí do dễ gây viêm nhiễm kích ứng cơn hen.
Trong số các yếu tố gây khởi phát cơn hen, phấn hoa được xem là một “thủ phạm tự nhiên nguy hiểm’’ mỗi khi vào đợt phát tán có thể khiến hàng nghìn người lên cơn hen cùng lúc, nhiều nạn nhân tử vong do không được điều trị kịp thời. Châu Âu ghi nhận 40% dân số có tình trạng dị ứng phấn hoa. Những người cơ địa dị ứng hít phải phấn hoa có thể làm khởi phát cơn hen. Trường hợp nhẹ hơn, phấn hoa bay vào mắt, mũi hoặc bám vào da người gây ra dị ứng. Bệnh nhân bị nổi mẩn ngứa, mề đay, mắt ngứa, đỏ, tụt huyết áp do mao mạch bị giãn nở, khó thở do khí phế quản bị co thắt, kích thích cơ trơn đường tiêu hóa gây co thắt, nôn mửa. Trường hợp dị ứng nặng có thể dẫn đến tử vong. Do đó, cần lựa chọn loại hoa ít phấn hoặc cây cảnh không có phấn hoa để trang trí trong nhà nhằm hạn chế dị ứng, giúp ăn tết mà không lo bệnh tật tái phát.
Mốc và bụi bặm
Đối với bệnh nhân dị ứng thì vấn để bụi và mốc tại phòng ngủ và nơi ở là nguyên nhân gây các vấn đề về ho dị ứng, ngứa, viêm mũi dị ứng. Để ngày tết không bị dị ứng tái phát trong nhà cần dọn sạch sẽ, mốc meo thường có ở phòng tắm, cầu tiêu nên cần được lau rửa với dung dịch chlorine; tránh làm vườn, cào lá để khỏi hít mốc, bụi. Giữ cho nhà ít bụi chừng nào hay chừng đó, nhất là ở buồng ngủ; bọc gối, nệm; giặt khăn trải giường hàng tuần với nước nóng để trừ mạt; dùng loại màn cửa giặt được dễ dàng; chạy máy điều hòa không khí để làm giảm độ ẩm trong nhà.
Cỗ tết cũng gây dị ứng
Theo số liệu thống kê từ một số công trình nghiên cứu thế giới, tỉ lệ dị ứng thức ăn ở trẻ từ 2 – 10 tuổi là 6 – 8%, ở người lớn là 3%. Vì vậy, thực đơn ngày tết nhiều món giàu đạm, đường bột và thường ít rau quả tươi có thể ổn với người lớn nhưng đôi khi không tốt với người có tiền sử dị ứng, trẻ em – đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và chưa đáp ứng tốt với nguồn thực phẩm đa dạng khiến trẻ dễ bị dị ứng.
Chất gây dị ứng chính có trong thức ăn thường là các protein có nguồn gốc từ động thực vật, các protein này thường bền vững với nhiệt độ. Mặc dù đã được nấu chín ở nhiệt độ cao, chúng vẫn giữ nguyên cấu trúc và hoạt tính gây dị ứng cho con người. Ngoài ra, các chất protein này còn không bị phân hủy bởi men tiêu hóa và chất axít của dịch dạ dày.
Bệnh có thể diễn tiến từ các thể nhẹ như: chỉ nổi mề đay đến nặng hơn: các tình trạng viêm phế quản dạng hen, bên cạnh đó tình trạng co thắt phế quản và phù thanh môn gây khó thở cũng có thể xảy ra. Một số trường hợp bệnh nhân có thể sốc phản vệ (giống như sốc thuốc kháng sinh) và đưa đến tử vong nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
Vì vậy, đối với người có tiền sử dị ứng, bố hoặc mẹ bị dị ứng, cần lưu ý tránh không dùng loại thực phẩm gây dị ứng. Có những trường hợp xác định khá dễ dàng như dị ứng cá ngừ. Nhưng cũng có nhiều trường hợp không thể xác định được loại thực phẩm gây dị ứng vì bệnh nhân ăn nhiều loại thức ăn và cũng có lúc không bị dị ứng. Những trường hợp này phải được xác định bằng các xét nghiệm chuyên biệt, vì vậy cần đến các cơ sở y tế về dị ứng miễn dịch lâm sàng để được khám và tư vấn cụ thể.
10:01 - 16 February, 2017